Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

Dịch âm đạo cùng với vài điều mẹ bầu cần biết

Dịch âm đạo ở mẹ bầu qua từng giai đoạn sẽ đại diện cho các tình trạng khác nhau, từ hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể cho đến nguy hiểm.
Quãng thời gian 9 tháng mang thai sẽ làm dịch âm đạo của bạn có những thay đổi nhất định cả về màu sắc lẫn khối lượng. Một số thay đổi có thể là bình thường nhưng cũng có một số khác lại trở thành dấu hiệu của một biến chứng nghiêm trọng nào đó. Để hiểu thêm về tình trạng này cũng như cách cải thiện sự khó chịu do khí hư gây ra, mời bạn tham khảo những chia sẻ dưới đây.

Dịch âm đạo và những điều mẹ bầu cần biết 

Rò rỉ dịch âm đạo ở mẹ bầu trong các tam cá nguyệt

Nguyên nhân của việc tiết dịch âm đạo khi mang thai phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ. Cụ thể như sau:

Dịch âm đạo ở tam cá nguyệt thứ nhất

Dịch âm đạo xuất hiện trong thời kỳ mang thai 3 tháng đầu có mùi hơi hăng và màu trong suốt. Dịch lúc này sẽ giống với khí hư mà bạn thường thấy trong chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân đến từ sự gia tăng đột ngột nồng độ estrogen, khiến lưu lượng máu khu vực âm đạo tăng lên kèm theo việc kích thích sản xuất các dịch tiết khác.

Dịch âm đạo ở tam cá nguyệt thứ hai

Trong tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu sẽ nhận thấy dịch âm đạo được tiết ra có thể có nhiều dạng khác nhau. Tại thời điểm này, dịch lỏng có màu trắng đục, có kết cấu giống lòng trắng trứng và xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn so với ba tháng đầu. Tuy nhiên, bạn cũng đừng lo lắng quá bởi tình trạng trên hoàn toàn bình thường, nguyên nhân là do cơ thể đang sản xuất một lượng lớn nội tiết tố.
Nếu nhận thấy dịch âm đạo có lẫn máu hoặc có mùi hôi thì mẹ bầu nên đi khám sớm.

Dịch âm đạo ở tam cá nguyệt thứ ba

Ở tam cá nguyệt thứ ba, dịch âm đạo của mẹ bầu có thể có nhiều dạng phụ thuộc vào màu sắc, mùi, tần suất xuất hiện, số lượng và sự hiện diện của máu. Việc dịch âm đạo xuất hiện nhiều vào gần ngày dự sinh có thể là dấu hiệu chuyển dạ sinh con sớm hoặc cảnh báo tình trạng vỡ ối non. Mẹ bầu nên đi khám các xét nghiệm chọc ối nếu nhận thấy tình trạng bất thường để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Rỉ dịch âm đạo ở mẹ bầu có phải là điều bình thường?

Việc mẹ bầu tăng tiết dịch âm đạo là một cơ chế của cơ thể và lượng dịch tiết ra sẽ tăng lên khi thai kỳ tiến triển.

1. Dịch âm đạo bình thường

Hầu hết các trường hợp tiết khí hư khi mang thai là hoàn toàn bình thường. Bạn không có gì phải lo lắng nếu gặp những tình trạng sau đây:

Huyết trắng

Bạn có thể coi đây là một trong những dấu hiệu mang thai vì nó xuất hiện rất sớm trong thai kỳ sau khi trứng đã được thụ tinh.

Nút nhầy

Trong tuần mang thai cuối cùng, dịch tiết ra có thể bao gồm cả máu và chất nhầy, nó cũng ngầm báo hiệu cho việc bạn sẽ chuyển dạ trong vài ngày tới. Chất nhầy này là một phần của nút nhầy chặn cổ tử cung, bộ phận có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng cho bào thai.

Rò rỉ nước ối

Dịch âm đạo trong tam cá nguyệt thứ ba có thể đến từ việc nước ối bị rò rỉ, nhưng các bác sĩ cũng đã nhận định hiện tượng này sẽ nhanh chóng qua đi và mẹ bầu cũng không cần bận tâm quá nhiều.

2. Dịch âm đạo bất thường

Đôi khi hiện tượng tiết dịch âm đạo khi mang thai có liên quan đến các tình trạng khác gây mệt mỏi ở thai phụ. Trong những trường hợp như vậy, dịch tiết âm đạo có thể là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường có liên quan đến một trong những tình trạng sau:

Chuyển dạ sinh non

Việc dịch âm đạo tiết ra có kèm một lượng máu nhỏ trong tuần cuối cùng của thai kỳ là điều bình thường. Thế nhưng tình trạng dịch tiết quá nhiều lại có thể là dấu hiệu cho biết cơ thể bạn đã sẵn sàng chuyển dạ sinh con. Khi nhận thấy tình trạng này đang diễn ra, mẹ bầu hãy đến gặp bác sĩ ngay để ngăn ngừa các biến chứng xấu có thể xảy ra.

Nhiễm nấm

Tình trạng vùng kín bị nhiễm nấm khá phổ biến và có thể khiến bạn khó chịu nhiều hơn so với phụ nữ không mang thai. Ngoài việc tiết ra khí hư màu vàng hoặc màu xanh, mẹ bầu bị nhiễm nấm còn gặp hiện tượng đỏ, sưng tấy ở vùng kín cũng như gặp đau đớn khi đi vệ sinh.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Việc âm đạo tiết dịch ở mẹ bầu có thể xảy ra do các bệnh lây truyền qua đường tình dục khiến thành âm đạo bị co thắt trong thai kỳ. Đây là loại bệnh rất nghiêm trọng. Ngoài những nguy hiểm về sức khỏe cho cả hai mẹ con, tình trạng này còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn về sau.

Viêm âm đạo

Vi khuẩn là thủ phạm đứng sau tình trạng này. Bệnh sẽ gây ngứa và có cảm giác nóng rát khi đi tiểu. Ngoài ra, dịch tiết ra còn có mùi hôi khó chịu. Nếu bị viêm âm đạo, mẹ bầu cần điều trị càng sớm càng tốt, để tránh nguy cơ chuyển dạ sớm, thậm chí là sẩy thai.

Khi nào rỉ dịch âm đạo ở mẹ bầu là dấu hiệu của nhiễm trùng?

Hiện tượng tiết dịch âm đạo khi mang thai khá phổ biến và hầu hết phụ nữ đều dễ dàng nhận biết khi nào hiện tượng này là do nghiễm trùng gây ra. Hãy chú ý đến các dấu hiệu đi kèm với khí hư. Nếu nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây, mẹ bầu nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
  • Khó tiểu
  • Sốt dai dẳng
  • Ngứa, viêm, đỏ hoặc cảm giác đau ở vùng âm đạo
  • Dịch âm đạo thay đổi đột ngột về màu sắc hoặc mùi
  • Khí hư ra nhiều kèm hiện tượng đau nhức vùng dưới, đặc biệt xảy ra sau tuần thứ 27 của thai kỳ.
Dịch âm đạo thường được mặc định có màu trắng và có mùi nhẹ. Nếu những yếu tố này thay đổi thì rất có thể là do các vấn đề tiềm ẩn như chuyển dạ sớm hoặc nhiễm trùng… gây ra.

Dịch âm đạo xuất hiện ở giai đoạn đầu của thai kỳ có phải là dấu hiệu sẩy thai?

Đôi khi trong những tuần đầu mang thai, mẹ bầu sẽ thấy thỉnh thoảng rỉ ít dịch hồng kèm đau bụng nhẹ thì đừng vội lo lắng. Có thể điều này là do thai trong giai đoạn làm tổ và đang hình thành nhau. Nếu tình trạng không thường xuyên xuất hiện thì không cần dùng thuốc và sẽ tự hết sau 3 tháng đầu, khi nhau thai đã bám cố định vào thành tử cung. Tuy nhiên, bạn cần đi tham vấn bác sĩ thì mới biết là có nên dùng thuốc dưỡng thai thêm hay không.

Các biện pháp cải thiện tình trạng dịch âm đạo ở mẹ bầu

Việc cải thiện tình trạng rò rỉ dịch âm đạo khi mang thai phụ thuộc rất lớn vào tình trạng cơ bản. Trong khi một số vấn đề có thể dễ dàng được khắc phục tại nhà thì một số khác lại cần đến sự can thiệp về mặt y tế. Tuy nhiên, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để tìm ra biện pháp phù hợp nhất với bạn:

Chăm sóc y tế

Như bài viết đã đề cập ở trên, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu quan sát thấy dịch tiết âm đạo khi mang thai có bất kỳ sự thay đổi nào hoặc nếu đang gặp một số triệu chứng liên quan. Bác sĩ có thể lấy mẫu thử từ âm đạo để kiểm tra và đưa ra phương pháp điều trị cũng như gợi ý bạn cách giữ vệ sinh âm đạo.

Các biện pháp tự nhiên và tại nhà

Các biện pháp tự nhiên để điều trị tình trạng tiết dịch âm đạo khi mang thai tập trung vào việc giữ vệ sinh vùng kín bằng cách:
  • Sử dụng đồ lót có chất liệu từ cotton và băng vệ sinh hàng ngày sẽ giúp bạn chăm sóc vùng kín tốt hơn. Tránh dùng tampon vì chúng có thể gây kích ứng hoặc gây sốc độc
  • Thực hiện các bài tập Kegel có thể giúp bạn củng cố thành âm đạo, từ đó ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài
  • Vệ sinh vùng kín bằng nước rửa phụ khoa phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, bạn nên lau khô vùng kín theo hướng từ trước ra sau sau mỗi lần vệ sinh hoặc tắm rửa
  • Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên nguyên liệu tươi và trái cây
  • Bỏ qua các món chiên bởi chúng có thể gây kích ứng
  • Uống nhiều nước sẽ giúp hỗ trợ đào thải độc tố ra khỏi cơ thể
  • Những lúc thèm ăn vặt, hãy nghĩ đến món sữa chua bởi món ăn này không những ngon miệng mà còn chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khỏe.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Trong một số tình huống, cấp cứu là biện pháp cần thiết để giải quyết bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào. Ngoài ra, tình trạng dịch âm đạo tiết ra quá mức trong tam cá nguyệt thứ ba cũng là một nguyên nhân gây nên nhiều lo ngại nếu kèm theo các triệu chứng khó chịu. Vì vậy, đừng ngại ngần đến gặp bác sĩ khi bạn vẫn chưa chắc chắn rằng sức khỏe của bản thân đang trong trạng thái ổn định.
Dẫu khí hư có thể khiến bạn cảm thấy bất tiện nhưng đây là hiện tượng hoàn hoàn tự nhiên, diễn ra thường xuyên.
Hy vọng những thông tin được cung cấp bên trên đã giúp mẹ bầu phần nào hiểu được khái niệm của các loại dịch âm đạo khi mang thai cũng như biện pháp cần thiết để có được một thai kỳ khỏe mạnh nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét